0388.20.20.68 - 0383.20.20.68

Y HỌC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM – BỆNH TÁO BÓN

TÁO BÓN

Táo bón là trạng thái đi tiêu phân khô cứng, buồn đi mà không đi được, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu, trong điều kiện ăn uống bình thường.

Nguyên nhân có thể do bệnh của đại trường (co thắt, nhu động giảm, phình đại trường… Bệnh ngoài đường ruột như ung thư gây chèn ép… hoặc bệnh toàn thân như chức năng tuyến giáp giảm, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể (hư lao), thần kinh tâm thần bị ức chế như lo nghĩ, tức giận, buồn phiền… tập quán sinh hoạt thiếu điều độ..

Thiên ‘Ngũ Tạng Phong Hàn Tích Tụ’ (Kim Quỹ Yếu Lược) viết: “ Mạch Phu dương Phù mà Sáp. Phù là Vị khí khỏe – Sáp là tiểu tiện nhiều ấn. Phù và Sáp chọi nhau, cho nên đại tiện phân rắn, đó là chứng Tỳ Ước, dùng bài Ma Tử Nhân Hoàn để chữa”. – Chứng đại tiện bí kết, các sách cổ mang các tên Hư bí, Phong bí, Khí bí, Nhiệt bí, Hàn bí, Thấp bí v.v… Riêng Lý Đông viên chỉ nói bốn loại Nhiệt táo, Phong táo, âm kết, Dương kết, đó là đặt tên rắc rối, chẳng có căn cứ nào cả, đã không nắm vững điều chủ yếu, lại chỉ càng thêm nghi hoặc, rất có hại trong lâm sàng – không biết rằng đối với chứng này chỉ nên phân biệt làm hai loại đó là Âm kết và Dương kết cũng đủ lắm rồi (Cảnh Nhạc Toàn Thư).

  1. Nguyên Nhân Gây Bệnh

Theo YHCT táo bón thường do các nguyên nhân sau:

  1. Trường vị táo nhiệt: Những người vốn dương thịnh, Hoặc uống rượu, ăn nhiều chất cay nóng gây tích nhiệt ở trường vị, Hoặc bệnh nhiệt lâu ngày tổn thương tân dịch.
  2. Khí trệ: Lo nghĩ, buồn phiền, nằm lâu, ít vận động làm cho khí huyết kém lưu thông gây ứ trệ sinh táo bón.
  3. Khí huyết hư: Do tổn thương lao lực, sau khi mắc bệnh, sau sinh, những người cao tuổi, khí hư thì chức năng truyền đạo của đại trường giảm sút, huyết hư tân dịch kém không tư nhuận đại trường gây tiêu khó phân khô cứng.
  4. Dương suy: Những bệnh nhân suy nhược nặng, người cao tuổi, lão suy, chân dương suy kém, hàn tà ngưng kết ở đại trường gây táo bón, tiện bí (hàn kết tiện bí lãnh bí.
  5. Biện Chứng Luận Trị

Thường phân làm hai loại chứng thực và chứng hư.

a- Chứng thực: Gồm các thể bệnh:

+ Thể Nhiệt (NKHT. Hải), Táo Nhiệt Nội Kết (T. Đô): Tiêu phân khô rắn, nước tiểu vàng, tiểu ít, người nóng, mặt đỏ, miệng khô, bứt rứt, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch Hoạt Sác.

– Phép trị: Thanh nhiệt, nhuận trường (T. Hải + T. Đô).

Dùng bài Điều Vị Thừa Khí Thang Gia Giảm (T. Hải) – Ma Nhân Hoàn (T. Đô).

Điều Vị Thừa Khí Thang (Thương Hàn Luận): Cam thảo (sống) 4g, Đại hoàng 12g, Mang tiêu 8g.

(Đại hoàng tả nhiệt, thông tiện; Mang tiêu tả nhiệt, nhuyễn kiên, nhuận táo, Cam thảo kiện tỳ, điều hòa các vị thuốc).

Trường hợp tân dịch bị tổn thương, thêm Sinh địa, Thạch hộc (tươi) để tư âm, thanh nhiệt.

Ma Nhân Hoàn (Loại Chứng Hoạt Nhân Thư): Chỉ thực 320g, Đại hoàng 64g, Hạnh nhân 50g, Hậu phác 40g, Ma nhân 100g, Thược dược 320g.

(Ma tử nhân nhuận trường, thông tiện, làm quân; Hạnh nhân giáng khí, nhuận trường; Thược dược dưỡng âm, hòa doanh làm thần; Chỉ thực, Hậu phác tiêu bỉ, trừ mãn; Đại hoàng tả hạ, thông tiện, làm tá, sứ).

  1. Thể Khí Uất (T. Hải) – Khí trệ (T. Đô): Hay thở dài, ăn kém, ngực sườn đầy tức, muốn đi tiêu mà không đi được, bụng đầy, rêu lưỡi mỏng, mạch Huyền.

– Phép trị: Hành khí, tiêu trệ. Dùng bài Lục Ma Thang gia giảm (T.Hải + T. Đô)

(Mộc hương, Ô dược hành khí; Đại hoàng, Binh lang, Chỉ thực, Trầm hương phá khí, hành trệ). Nếu uống vào mà tiêu được, bỏ Đại hoàng, Binh lang, dùng Ma Nhân Hoàn để nhuận trường.

II- Chứng hư: Gồm các thể bệnh:

  1. Khí Hư: Táo bón, tiêu khó nhưng phân không khô cứng, thường mệt mỏi, sau khi đi tiêu mệt hơn hoặc ra mồ hôi, hụt hơi, thân lưỡi bệu, rêu lưỡi mỏng, mạch Nhược (T. Hải), mạch Hư (T. Đô).

– Phép trị: Ích khí, nhuận trường (T.Hải + T. Đô).

Dùng bài Hoàng Kỳ Thang gia giảm (T. Hải + T. Đô).

Hoàng Kỳ Thang (Kim Quỹ Dực): Hoàng kỳ 12g, Ma nhân 8g, Trần bì 4g, Sắc, thêm Mật ong 10g, uống.

(Trong bài dùng Hoàng kỳ (sống) để bổ khí, Trần bì hành khí, Ma nhân, Mật ong nhuận trường. Thêm Đảng sâm, Cam thảo để tăng tác dụng bổ khí).

Trường hợp rặn nhiều mà lòi dom ra, thêm Thăng ma, Sài hồ để thăng đề.

  1. Huyết Hư: Đi tiêu khó, phân khô cứng, sắc mặt xanh nhạt, vàng úa, hoa mắt, chóng mặt, môi nhạt, lưỡi nhạt, mạch Tế (T. Hải + T. Đô).

-Phép trị: Dưỡng huyết, nhuận trường (T. Hải + T. Đô).

Dùng bài Nhuận Trường Hoàn (T. Hải) – (Nhuận Trường Hoàn + Ngũ Nhân Hoàn (T. Đô).

Nhuận Trường Hoàn (Nội Khoa Trung Y Thượng Hải): Chỉ xác 40g, Đào nhân (bỏ vỏ và đầu nhọn) 40g, Đương quy 20g, Khương hoạt 20g, Ma nhân 48g, Sinh địa (bỏ vỏ) 20g.

( Trong bài dùng Đương quy, Sinh địa tư dưỡng âm huyết; Đào nhân, Ma nhân nhuận trường; Chỉ xác hành khí đi xuống).

Trường hợp ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô, lưỡi thon, thêm Huyền sâm, Mạch môn, Ngọc trúc để dưỡng âm.

  1. Dương Hư: Đi tiêu khó, chân tay mát, lưng cảm thấy lạnh, gối lạnh, hoặc bụng đau, chườm nóng thấy dễ chịu, lưỡi bệu, nhợt, rêu lưỡi trắng nhuận, mạch Trầm Trì (T. Hải + T. Đô).

– Phép trị: Ôn thông, nhuận trường (T. Hải) – Ôn thông, khai bí (T. Đô).

+ Dùng bài Thung Dung Nhuận Trường Hoàn hoặc Bán Lưu Hoàn (T. Hải).

+ Dùng bài Bán Lưu Hoàn hoặc Ôn Tỳ Thang (T. Đô).

Nhục Thung Dung Hoàn (Y Học Cương Mục): Nhục thung dung 80g, Trầm hương 40g. Tán bột. Dùng Ma tử nhân ép lấy nước cốt, trộn thuốc bột, làm hoàn.

(Trong bài dùng Nhục thung dung ôn thận, nhuận trường; Ma nhân nhuận trường; Trầm hương giáng khí).

Bán Lưu Hoàn (Thái Bình Huệ Dân Hòa Tễ Cục Phương): Bán hạ 120g, Lưu hoàng 40g.

(Trong bài dùng Lưu hoàng để trợ dương, thông tiện; Bán hạ giáng khí). Thêm Nhục thung dung ôn thận, nhuận trường; Ma nhân nhuận trường.

Ôn Tỳ Thang (Thái Bình Huệ Dân Hòa Tễ Cục Phương): Cam thảo 4g, Can khương 4g, Đại hoàng 8g, Nhân sâm 8g, Phụ tử 8g.

(Bài này là bài Tứ Nghịch Thang + Nhân Sâm Thang, thêm Đại hoàng. Bài Tứ Nghịch + Nhân Sâm Thang vốn dùng để ôn trung, tán hàn, hồi dương, cứu nghịch. Bây giờ thêm Đại hoàng, trở thành bài ôn vận Tỳ dương, vừa công vừa bổ. Mục đích dùng Đại Hoàng là để điều hòa tà uế trọc bị tích trệ, dùng chung với các vị thuốc ôn dương để thích ứng với bệnh âm khí hư suy mà dẫn đến âm hàn nội thịnh, bụng đau, đại tiện bí, kiết lỵ lâu ngày, chất độc ở đường tiểu, chứng bệnh về máu và thuộc chứng thực hàn).

Một Số Bài Thuốc Kinh Nghiệm

Ích Trường Thông Tiện Thang (Thiên Gia Diệu Phương, q Thượng): Hoàng kỳ (sống) 24g, Tiên linh tỳ, Xích thược, Bạch thược đều 15g, Đào nhân, Hạnh nhân, Tỳ bà diệp (tươi), Mộc hương, Hà diệp, Hoàng cầm (tẩy rượu) đều 10g, Thạch hộc (tươi), Ngọa lăng tử, Đao đậu tử đều 30g, Mộc qua 2g, Sinh khương 3g, Hoàng liên 4,5g. thêm Bảo Hòa Hoàn 12g (bọc lai). Sắc uống.

TD: Ích khí, dưỡng âm, sơ Can hòa Vị, lý khí hóa ứ. Trị táo bón.

Thược Dược Chỉ Trường Thang (Tân Trung Y (12) 1990): Bạch thược (sống) 30g, Cam thảo (sống) 20g, Chỉ thực 15g. Sắc uống.

TD: Thông trường, bài tiện. Trị táo bón.

Đã trị 95 ca (mạn tính 54, cuối kỳ ung thư 16, di chứng tai biến não 14, không rõ nguyên nhân 11). Uống từ 1 ~ 3 thang đều khỏi.

Lão Niên Tiện Bí Lương Phương (Danh Y Trị Nghiệm Lương Phương): Hoàng kỳ 30g, Ngân hoa, Đương quy, Bạch thược, Ma nhan, Nhục thung dung đều 20g, Hậu phác, Tửu đại hoàng đều 3 ~ 10g, Tiên linh tỳ 10 ~ 15g. Sắc uống.

TD: Ích khí, dưỡng huyết, nhuận táo, hành khí, giải độc, thông trệ. Trị táo bón nơi người lớn tuổi.

Điều Tỳ Thông Kết Thang (Danh Y Trị Nghiệm Lương Phương): Bạch truật, Thương truật đều 30g, Chỉ xác 10g, Nhục thung dung 20g. Ngâm thuốc trong nước khoảng 30 phút rồi sắc làm hai lần, mỗi lần để nhỏ lửa sắc trong 1 giờ, sau đó hợp chung hai nước, sắc uống ấm. Uống thuốc xong, uống nhiều nước.

TD: Kiện bổ Tỳ khí, dưỡng huyết nhuận trường. Trị các loại táo bón do hư yếu.

Thông Tiện Thang (Danh Y Trị Nghiệm Lương Phương): Câu đằng, Phục linh đều 10g, Hoa hồng 6g, Phục long can 10g, Cam thảo 3g. Sắc uống.

TD: Điều lý Tỳ Vị, thư Can khoái cách, điều lý Can tạng. Trị trẻ nhỏ bị táo bón, phân khô cứng không thông.

Quát Lâu Nhuận Trường Thang (Trung Quốc Trung Y Bí Phương Đại Toàn): Quát lâu 20g, Tỳ bà diệp 15g, Hà diệp, Đương quy, Tang thầm tử, Nguyên sâm, Mạch môn, Sinh địa đều 20g, Câu kỷ tử, Lai phục tử, Uất lý nhân, Cam thảo đều 10g. Sắc uống.

TD: Tư âm dưỡng huyết, nhuận trường thông tiện. Trị táo bón mạn tính (do huyết hư, trường vị bị táo).

Khai Khoan Thăng Giáng Thang (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Đảng sâm 30g, Sài hồ, Thăng ma, Cát cánh, Chỉ thực đều 12g, Qua lâu nhân 20g, Bàng đại hải, Ngưu tất đều 12g, Nhục thung dung 30g, Đại hoàng (tẩm rượu) 6g, Hồng đằng 30g, Tây thảo 15g, Cam thảo 6g. Sắc uống.

TD: Ích khí thăng dương, tuyên Phế khoan trường. Trị táo bón (do Phế khí không thông, đại trường khí bị bế).

Kinh Nghiệm Điều Trị Táo Bón của Nhật Bản

(Trích trong ‘Chinese Herbal Medicine And The Problem Of Agging’).

+ Quế Chi Gia Thược Dược Thang hoặc Quế Chi Gia Thược Dược Đại Hoàng Thang: hai bài này đều có các vị thuốc ấm dùng trong trường hợp teo và sa dạ dày, có lúc táo bón, khi thì tiêu chảy.

. Nếu không đại tiện được thì dùng bài Quế Chi Gia Thược Dược Đại Hoàng Thang. Nếu bụng đầy trướng, suy yếu, dùng bài Quế Chi Thược Dược gia Nhân sâm và Xuyên tiêu.

Bài thuốc này cũng có tác dụng với màng bụng viêm và ruột non hẹp lại (Nếu chẩn đoán lầm, cho dùng bài Đại Sài Hồ Thang, bệnh sẽ nặng hơn

+ Tiểu Kiến Trung Thang: có tác dụng với người có thể tạng yếu, mệt mỏi, bụng mềm, không có sức.

+ Phụ Tử Lý Trung Thang: có tác dụng đối với táo bón mạn tính nơi người thể tạng yếu, chuyển hóa thấp, sắc mặt xanh. Thông thường dùng thuốc nhuận trường không có kết quả, nên dùng bài này, đại tiện sẽ dễ dàng. Bài này có Phụ tử, Can khương có tác dụng tăng chức năng chuyển hóa, làm ấm phủ tạng và kích thích nhu động ruột.

+ Ma Tử Nhân Hoàn: dùng cho người lớn tuổi, táo bón mạn.

+ Nhuận Trường Thang: tốt cho người lớn tuổi, táo bón mạn tính. Dùng giống nhũ bài Ma Tử Nhân Hoàn nhưng bài này dùng cho người bệnh da khô, không nhuận, lượng nước tiểu nhiều.

+ Đương Quy Thược Dược Tán: thích hợp với chứng táo bón của phụ nữ cơ thể suy yếu, mệt mỏi, lạnh quanh thắt lưng. Bài thuốc này có tác dụng đặc biệt trong trường hợp thường dùng thuốc nhuận trường mà không có kết quả và đau bụng. Trong bài Xuyên khung, Đương quy làm ấm cơ thể, tăng cường tuần hoàn máu và giảm căng cơ ruột. Thược dược và các thành phần khác của bài thuốc làm tăng nhu động ruột do vậy dễ đào thải phân ra ngoài.

+ Tiêu Dao Tán Gia Vị (Đương quy, Thược dược, Bạch truật, Phục linh, Sài hồ đều 12g, Đơn bì, Chi tử, Cam thảo đều 8g, Bạc hà, Sinh khương đều 4g): đặc biệt nhuận trường cho phụ nữ 40-50 tuổi, ở thời kỳ mãn kinh.

+ Thần Hiệu Thang (Mộc hương, Ngô thù, Tiểu hồi, Chi tử, Bạch truật, Hương phụ, Đương quy, Ô dược, Diên hồ, Sa nhân sao đen, Đăng tâm, Sinh khương đều 8g, Cam thảo 4g dùng trị táo bón sau mổ. Dùng cho người thể tạng yếu, bụng đầy, bụng sôi, chân lạnh và có cảm giác muốn đi đại tiện nhưng không đi được.

+ Đại Sài Hồ Thang: dùng trị táo bón cho người béo mập. Để phòng ngừa xổ gây đau bụng, có thể dùng bài này.

+ Đào Hạch Thừa Khí Thang: thích hợp với táo bón, sắc mặt đỏ, cơ thể khỏe.

+ Tam Hoàng Tả Tâm Thang: dùng cho người bị táo bón, sắc mặt đỏ, dễ bị kích động.

CHÂM CỨU TRỊ TÁO BÓN

(Theo sách ‘Thực Dụng Châm Cứu Đại Toàn’)

+ Táo Bón Do Nhiệt: Thanh nhiệt, nhuận táo.

Hợp cốc + Đại trường du + Thiên xu + Nội đình. Hợp với Chiếu hải. Châm tả.

(Hợp cốc thanh hỏa của dương minh đại trường; Đại trường du + Thiên xu thông tiết khí của đại trường; Nội đình thanh nhiệt, hòa vị, lợi đại trường; Phối Chiếu hải để bổ thận thủy, là cách giúp nước dâng lên để thuyền di chuyển được).

+ Táo Bón Do Hàn: Ôn thông, khai kết.

Châm bổ + cứu Thiên xu, Quan nguyên, Tam âm giao, hợp với Thần khuyết.

(Thiên xu là huyệt mộ của đại trường để thông khí của đại trường; Quan nguyên ôn dương, tán hàn; Cứu Tam âm giao có thể thông dương khí của 3 kinh âm ở chân, 3 kinh âm đều đi qua bụng, dương khí thông tốt thì đại tiện thông; Phối cứu Thần khuyết để ôn dương, tán hàn, trị bụng đau).

3- Táo Bón Do Hư Yếu: Bổ trung, ích khí.

Châm bổ và cứu Tỳ du, Vị du, Túc tam lý. Phối hợp với Khí hải, Cách du.

(Tỳ là gôc của hậu thiên, vì vậy, chọn huyệt Tỳ du, Vị du để giúp cho trung khí, nhằm bồi dưỡng cho nguồn sinh hóa; Túc tam lý để điều lý khí của trường vị giúp cho khí cơ thông suốt, công năng tiêu hóa của tỳ vị được bình thường; Cứu Khí hải để ích khí, hồi dương, trị khí bị hụt; Cách du là huyệt hội của huyết, có khả năng bổ âm huyết, nhuận trường).

Bệnh Án Táo Bón

(Trích trong ‘Trung Y Lâm Sàng Chẩn Liệu Bách Khoa Toàn Thư’)

Trương X, nam, gần 70 tuổi.

Khám lần đầu: Đùi gối mềm yếu, táo bón, sáu bộ mạch Tế Sáp. Đây là do huyết dịch khô ráo. Điều trị nên dưỡng huyết, nhuận trường. Dùng Thung dung tươi 40g, Hỏa ma nhân 12g, Hạnh nhân 12g, Đương qui 12g, Tùng tử nhân 12g, Bá tử nhân 12g, Ngưu tất 12g, Thủ ô tươi 24g, Hoài sơn tươi 12g.

Khám lần 2: Đại tiện tuy dễ dàng, nhưng chất dịch trong ruột khô ráo, ăn được mà không đại tiện đã 3 ngày. Dùng thuốc tư nhuận có vị mặn giáng xuống: Hỏa ma nhân 12g, Bạch thược 6g, Sinh Cam thảo 8g, Đương quy 12g, Sinh hoài sơn 12g Mạch đông 6g, Câu kỷ tử 12g, Thung dung tươi 24g, Huyền sâm 8g, Ngưu tất 12g, Tỳ bà diệp (bỏ lông) 4 lá.

– Khám lần 3: Đại tiện điều hòa dần, lại dùng thuốc nhuận trường dưỡng huyết, kết hợp với bổ khí. Đảng sâm 12g, Đương qui 12g, Sinh Hoài sơn 12g, Hỏa ma nhân 12g, Cốc nha 16g, Bạch truật 8g, Bạch thược 6g, Bá tử nhân 12g, Câu kỷ tử 12g, Ngưu tất 12g.

Nhận xét: Bệnh án này ở người cao tuổi, thế lực yếu, khí huyết đều suy khiến cho sự truyền tống ở đường ruột bị yếu sức gây nên tiện bí. Trọng điểm biện chứng ở chỗ tuổi đã cao đùi gối mềm yếu, mạch Tế Sáp, bệnh thuộc loại hư bí cho nên dùng thuốc dưỡng huyết nhuận trường thêm thuốc bổ khí mà kết quả, nên phân biệt với loại tiện bí có nguyên nhân khác nhau.

Bệnh Án Táo Bón

(Trích trong ‘Thiên Gia Diệu Phương, q Thượng’)

Lư­u X, nam, 34 tuổi, công nhân, sơ chẩn ngày 26-2-1966. Bệnh nhân từ lâu đã có đại tiện bí kết, bụng chướng đau, cự án, uống thuốc thông tiện, sau đi đại tiện rồi bụng dưới đau, ngủ không yên. 10 tháng trước phổi bên phải nhiễm lao, đã điều trị bệnh tình ổn định, không ho, khám thấy chất lưỡi đỏ, rêu dày bẩn mà vàng, mạch Huyền Hoạt, mạch phải to hơn. Chứng này là ruột khô không nhuận, khí trệ gây chướng. Nên dùng phép điều khí lợi trung, hòa vị nhuận tràng. Cho uống T­ư Âm Nhuận Táo Phương gia vị (Sinh thủ ô 15g, Ngọc trúc 9g, Đại phúc bì 12g, Thanh bì và Trần bì mỗi thứ 6g, Sinh chỉ xác 9g, Ô dược 9g, Thanh quất diệp 9g. Sắc uống, mỗi ngày 1 thang). Uống được 5 thang, đại tiện trở thành nhuận, giảm quá nửa chứng bụng chướng đau. Dặn uống thêm 5 thang nữa, mọi chứng đều hết.

Bàn luận: Bệnh nhân này phế âm vốn h­ư, ruột khô không nhuận, khí cơ uất trệ, thông giáng không được, làm cho đại tiện bí kết không thông. Trong phương thuốc dùng Sinh thủ ô, Ngọc trúc để t­ư âm nhuận táo; Đại phúc bì, Chỉ xác để phát khí tiêu trệ, làm cho đường ruột t­ư nhuận táo, dùng Đại phúc bì, Chỉ xác để phát khí tiêu trệ, làm cho đường ruột t­ư nhuận, khí cơ thông suốt, ắt đại tiện tự thông, chứng bệnh hết. Theo kinh nghiệm lâm sàng, người già đại tiện bí kết đã lâu, đường ruột không nhuận, dùng thuốc thông hạ lâu ngày không có kết quả thì có thể dùng riêng một vị Sinh thủ ô 30g, sắc uống hoặc làm thành hoàn mỗi lần 6g, mỗi ngày uống 2 lần sẽ có hiệu quả. Ngoài ra có thể dùng Hắc chi ma, vừng đen giã nát trộn mật ong mà chiêu cũng có tác dụng thông tiện.

.

Bình luận
Bài viết liên quan
1
Bạn cần hỗ trợ?
.