Loài lười có thể sống vô lo vô nghĩ trong phần lớn thời gian, nhưng mỗi khi cần phải giải quyết nhu cầu, thì đó là cực hình.
Chắc các bạn đều biết đến con lười rồi chứ? Chúng là loài vật có cuộc sống rất đáng ghen tị: cả ngày lơ lửng trên cây, chẳng buồn di chuyển, đồ ăn ngay miệng, ngủ mọi lúc mà chẳng cần thấy Mặt trời. Với loài lười, hôm nào cũng là cuối tuần, ngày nào cũng là Chủ nhật. Một cuộc sống đúng là trong mơ.
Nhưng cuộc đời không chỉ toàn màu hồng! Hóa ra cuộc sống thư thái bậc nhất của loài lười vẫn còn một vết gợn, và nó xảy ra khi lũ lười này… đi cầu.
Đầu tiên, cần biết rằng một tác dụng phụ của việc di chuyển chậm là mọi thứ trong cơ thể chúng cũng chậm theo, bao gồm cả quá trình tiêu hóa. Một bữa ăn chúng nạp vào người có khi phải mất đến cả tháng trời mới tiêu hóa hết. Và điều này khiến cho việc “đi cầu” trở thành một trải nghiệm kinh dị thực sự.
Loài lười chỉ đi WC 1 lần trong tuần – quãng thời gian đủ để gây táo bón. Nhưng không chỉ vậy, chúng không thể… “rặn” ngay trên cây, mà phải xuống dưới đất để hành sự.
Và đến đây thì chắc bạn cũng tưởng tượng ra mọi chuyện rồi. Một loài vật đã chậm phải mò xuống đất, lại còn bị táo bón, chúng hẳn là con mồi rất béo bở dành cho các loài săn mồi. Khác gì chơi game kinh dị mà chỉ có một “mạng” duy nhất thôi đâu?
Chưa hết! Kể cả khi không bị tấn công và được “đi cầu” một cách thoải mái, thì vẫn có thể chắc chắn rằng loài lười chẳng thích trải nghiệm ấy một chút nào.
Jason Bittel – một chuyên gia sinh học cho biết mỗi lần lười đi cầu, chúng thải ra số phân nặng bằng 1/3 trọng lượng cơ thể. Phải tống ra khối lớn như vậy trong một lần, hiển nhiên chẳng ai thích cả và loài lười cũng vậy.
“Bụng của nó thực sự tọp hẳn đi sau khi giải quyết xong. Và tất cả chỉ đến trong đúng một lần rặn thôi.” – Rebecca Cliffe từ ĐH Swansea (Anh Quốc) chia sẻ.
Tại sao loài lười phải mạo hiểm như vậy?
Câu chuyện “đi cầu” là lý do duy nhất khiến loài lười phải mò xuống đất. Khi xuống, chúng đào một cái hố, “hành sự” vào đó, lấp đi rồi lại lò dò leo lên.
Nhưng tại sao chúng phải mò xuống đất? Tại sao phải mạo hiểm như thế? Sao không làm giống như các loài chim, đó là giải quyết ngay trên cành cây, có phải đơn giản hơn không?
Để giải thích một cách ngắn gọn nhất thì… không ai biết rõ cả. Cho đến nay, những gì khoa học đưa ra được chỉ là giả thuyết. Trong đó, giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là từ các chuyên gia thuộc ĐH Wisconsin vào năm 2014, về mối quan hệ cộng sinh giữa lười và một loài ngài.
Theo đó, có một loài ngài (bướm đêm) đẻ trứng trên lông của lười. Các con non sinh ra sẽ kéo theo một loài tảo bùng nở, nhuộm lông của lười thành màu xanh để ngụy trang tốt hơn. Đồng thời, số tảo ấy thi thoảng còn là nguồn thức ăn dự trữ trong trường hợp con lười quá… lười, không muốn bò đi kiếm ăn.
Đổi lại, lười sẽ mò xuống đất để đi cầu, tạo điều kiện cho lũ ngài đẻ trứng. Một mối quan hệ cộng sinh hết sức kỳ lạ.
Tuy nhiên theo Cliffe, giả thuyết này cũng chưa đủ chắc chắn, vì hiểm nguy mà lười phải đối mặt khi xuống đất chắc chắn nhiều hơn lợi ích chúng nhận được. Hơn nữa, chúng hoàn toàn có thể sinh tồn mà chẳng cần đến số tảo mọc lên nhờ lũ ngài.
Cliffe cho rằng lý do có thể là vì quá trình sinh nở. Theo đó, mục đích của việc đi cầu dưới đất là để đánh dấu cái cây nó đang ở, nhằm báo tin với các anh lười đực rằng có một em xinh tươi đang đợi. Tuy nhiên, giả thuyết này cũng cần được kiểm chứng, trước khi có bất kỳ kết luận nào.
Và cuối cùng, bài học rút ra ở câu chuyện này là bạn hãy tự vừa lòng với cuộc sống của mình đi. Có thể chúng ta không được phép lười như con lười, nhưng ít nhất thì có thể đi WC thoải mái mà không sợ hiểm nguy rình rập như chúng.